Chư Đăng Ya trong tiếng Jrai nghĩa là “củ gừng dại”, ngọn núi lửa này được hình thành và tồn tại qua hàng triệu năm. Tọa lạc tại địa phận làng Ploi lagri, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, “chiếc phễu khổng lồ” này in đậm vẻ đẹp thiên nhiên của cao nguyên đất đỏ, xen lẫn nét bản địa đặc sắc của người Jrai.
Với sức sống mãnh liệt
Chư Đăng Ya chính là dấu tích của lớp dung nham đã phun trào từ hàng triệu năm trước, với lớp đất đỏ bazan trù phú và được bao quanh bởi đại ngàn. Nếu nhìn từ xa, núi lửa có hình dáng như một chiếc phễu khổng lồ, còn trông từ trên đỉnh xuống thì lại giống một lòng chảo rộng lớn, đáy phẳng và tròn vành.
Nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây cối ở Chư Đăng Ya quanh năm đều tươi tốt mà không cần tưới tiêu. Vì vậy, đây chính là vùng đất đắc địa để người dân làng Ploi lagri trồng trọt nhiều loại lương thực như ngô, khoai lang, bí đỏ, v.v…
Đường lên đỉnh núi không hiểm trở nhưng vì là đường đất, dễ bám bùn nhão nên đôi chút khó khăn. Thế nhưng bù lại, ta sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Những thửa ruộng đều tăm tắp, những bụi lau sậy lấp kín lối đi như những khuông nhạc, dệt nên vẻ đẹp xanh mát cho đại ngàn. Từ đây cũng có thể ngắm nhìn những ngôi nhà mái ngói đỏ mộc mạc, nằm lác đác dưới chân núi và cả Biển Hồ Pleiku diễm tình ở phía xa.
Cuối năm 2018, một tảng nham thạch nặng 2 tấn – vết tích núi lửa còn sót lại được chính quyền huyện Chư Păh đặt trên đỉnh núi làm biểu tượng của thắng cảnh tự nhiên này. Người người hay nói với nhau rằng, chỉ khi đã chạm tay vào tảng nham thạch này, mới thực sự đã chinh phục được ngọn núi lửa hùng vĩ.
Vẻ đẹp biến đổi theo mùa
Đầu mùa hạ, những cơn mưa trút xuống Chư Đăng Ya báo hiệu dong riềng đã vào mùa. Lúc này, người dân sẽ hối hả gieo trồng, bón phân, làm đất cho cánh đồng dong riềng bạt ngàn. Củ dong riềng sau khi thu hoạch vào cuối năm sẽ được chế biến thành tinh bột để làm miến dong.
Đến mùa, những đóa dong riềng thắm sắc đượm hương sẽ nở rộ. Sắc đỏ kết thành từng chùm như những đốm lửa, làm bừng sáng cả vùng đất nắng gió. Ai đó đã ví von dong riềng có cánh hoa mềm mịn như đôi môi người thiếu nữ, giữa cuống hoa lại có túi mật ngọt ngào đủ sức mời gọi bao loài bướm ong. Đặc biệt, lúc mặt trời chưa tỏ, mây mỏng từng lớp bao phủ cả chốn này.
Sang tháng 10, “nàng thơ” dong riềng dần rũ xuống để nhường chỗ cho dã quỳ vươn mình đón nắng mai. Từ khắp các triền đồi cho đến miệng núi lửa, đâu đâu cũng thấy sắc màu vàng ươm. Loài hoa này nở rộ cho đến tháng 2 năm sau, nhưng đẹp nhất là vào tháng 11 độ chín muồi. Điểm xuyết cho bức tranh hữu tình này, là sắc hồng tươi tắn của những vạt cỏ đuôi chồn. Hễ có gió nhẹ thổi, chúng lại đung đưa vờn vợn hệt sóng rẽ lưng nương, nhẹ nhàng mà say đắm.
Không gian văn hóa đặc sắc
Mùa hoa dã quỳ chính là mùa lễ hội Chư Đăng Ya với nhiều loại sản vật đặc trưng người Jrai bày bán. Đây cũng là dịp để thăm thú nhà mồ, nhà thờ cổ cũng như những địa điểm in đậm dấu ấn bản địa.
Hấp dẫn nhất là lúc màn đêm buông. Tiếng cồng chiêng rộn rã của những trai tráng trong làng hay điệu múa xoang thanh thoát của những cô gái Jrai… cứ thế mà tâm hồn bao người cảm thấy bình yên và khoan khoán lạ thường. Cả những thức quà thơm ngon và đặc sắc: gà nướng, lẩu lá rừng, cơm lam hay rượu cần.